Tranh Giấy Dó – Vẻ Đẹp Chất Liệu Truyền Thống Việt

Tranh Giấy Dó (1)

Cũ kỹ như những manh áo tơi thôn dã của vùng đồng bằng Bắc Bộ lam lũ, là một thứ chất liệu vừa huyền bí, khó chinh phục nhưng lại đơn sơ, vừa thuần dịu hiền lành – ấy là Giấy Dó. Vẽ giấy dó cần nắm được “tính nết” của dó bởi chỉ cần nước đầu bút quá nhiều hay quá ít là tranh dễ bị hỏng. Người họa sỹ thường ví giấy dó như cô thiếu nữ khó tính lại khép kín, nhưng khi biết cách thì tạo cho ta cho cảm giác ngọt ngào đến mức không thể ngờ tới.

Khái Niệm Về Tranh Giấy Dó

Tranh Giấy dó là loại tranh giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt…), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Tranh giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

Nguồn Gốc Của Tranh Giấy Dó

Nguyên liệu chủ yếu của giấy dó vùng Kinh Bắc và Hà Nội là cây dó giấy. Một số nơi khác còn dùng cây dướng, cây dó liệt.
Cây dó giấy, Rhamnoneuron balansae, thuộc họ Trầm Thymelaeaceae, là một loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao 8-12m, đường kính thân ≤ 20cm, cành non phủ đầy lông. Lá mọc cách, phiến hình trứng thuôn, dài 10-20cm, rộng 3-3,5cm, tròn, thót nhọn ở đầu, mỏng, nhẵn ở mặt trên có lông ngắn và nằm ở mặt dưới, có 20 – 25 đôi gân, bậc hai gần như song song; cuống lá dài 3 – 4mm, có lông và có cánh.
Cụm hoa ở đầu cành là chùy thưa dài hơn lá, có lông. Cụm hoa đơn vị là tán, gồm 4 hoa không cuống, khi non được bao bởi hai lá bắc tổng bao dài 6 – 7mm, có lông len. Hoa màu trắng, lưỡng tính, thơm. ống đài dài 1cm, hơi loe ở giữa, phủ đầy lông ở ngoài, nhẵn, ở trong mang 4 lá đài trên đầu. Lá đài hình trứng, to nhỏ không bằng nhau, dài 2mm, có lông ở mặt ngoài. Nhị 8, xếp thành hai vòng không dài bằng nhau.
Đĩa tuyến mật cao 1,5 – 2mm, hình chén mỏng, mép lượn sóng. Bầu hơi có cuống, phủ đầy lông; vòi ngắn; núm to, gần hình bán cầu. Quả khô không tự nở, hình trứng, dài 7mm; vỏ quả ngoài mỏng, phủ đầy lông màu vàng nhạt. Hạt hình thoi, dài 6mm, rộng 1,7mm

Quy Trình Sản Xuất Giấy Dó

Để sản xuất ra những trang giấy dó không hề đơn giản chút nào. Với nghề sản xuất giấy dó, người thợ phải thật sự phải là tay thợ lành nghề, kiên trì bền bỉ, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn.
Thông thường, giấy dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo axít trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, sau đó được nấu cách thủy khoảng 3 ngày 2 đêm cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của vỏ cây được nấu chín nhừ hoặc thấy phần thịt của vỏ cây dó trong lại

Tranh Giấy Dó (3)
Tiếp đến dùng dao nhỏ bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày cho đến khi thành một dạng bột nhuyễn rồi cho bột dó vào một cái rá to có đường kính một mét được đan bằng tre để đãi sạch nước vôi, gọi là “đãi bìa”, ngày nay công nghệ hiện đại có thể xay bằng máy. Dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là “nhớt gỗ” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy.
Khi seo giấy, người thợ dùng “liềm seo” – liềm là một mành nứa hoặc giang chẻ nhỏ như sợi tăm rồi dùng sợi tơ xe lại rồi mua về đan lại – công đoạn đan liềm này do các thợ thủ công ở làng Cáo Đỉnh đảm nhận. Thợ seo chao đi chao lại trong bể bột dó, lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, bóc, can, phơi (sấy), lột giấy. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp và tơi, nên giấy rất nhẹ. Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ axít dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.

Tranh Giấy Dó (2)

Phân Loại Giấy Dó

Về Chất Liệu

Có 2 loại là giấy dó pha và giấy dó nguyên chất.
– Giấy dó pha: Sử dụng vỏ cây dó để sản xuất và có pha thêm chất độn như rơm rạ.
– Giấy dó nguyên chất: Sử dụng vỏ cây dó để sản xuất và không thêm các chất liệu pha độn khác.

Về Đặc Điểm

Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát.
Sở dĩ giấy dó xốp, nhẹ là do nguyên liệu, cách chế biến, xử lý nguyên liệu và công nghệ sản xuất giấy dó quy định. Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti liên kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Giấy dó có trọng lượng riêng bằng khoảng một nửa các loại giấy sản xuất công nghiệp.
Giấy dó pha và nguyên chất có chất lượng hơn kém nhau một chút. Có thể dựa vào 1 số đặc điểm dưới đây để lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu sử dụng:
– Giấy dó pha: Dày dặn, cứng cáp hơn giấy dó nguyên chất, bề mặt thô nì hơn giấy dó nguyên chất.
– Giấy dó nguyên: Chất mỏng hơn giấy dó pha, bề bông mịn hơn.

Về Độ Dày

– Giấy dó bóc 2 là lúc sản xuất chập 2 lớp dó mỏng thành 1 tờ, bóc 4 là chập 4 lớp dó mỏng thành 1 tờ.
– Cùng là bóc 2 hoặc bóc 4 nhưng giấy dó nguyên chất lại mỏng hơn giấy dó pha một chút, đổi lại giấy nguyên chất lại dai, bền, mịn hơn.

Kĩ Thuật Vẽ Tranh Giấy Dó

Giấy dó để càng lâu năm thì tính sử dụng càng tốt.
Việt Nam có hai kiểu thời tiết nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mà giấy dó có đặc trưng là hút ẩm, khi ẩm thì giấy ngậm nước mềm ra, còn nóng thì giấy sẽ khô đi. Giấy sẽ xuất hiện hiện tượng co dãn do thời tiết là khi cho chất keo kết dính bay dần đi thì độ mềm mại sẽ tăng lên và độ loang khi gặp màu tốt hơn.
Giấy dó khi mới được sản xuất thì mặt dó thường đanh lại, độ loang không đều, thậm chí để lại cặn. Nếu có ý định vẽ tranh giấy dó thì trong quá trình tìm mua giấy dó mà mua được loại tốt thì có thể cất đi, lưu trữ trong một vài năm sau mới dùng để vẽ sẽ cho ra chất lượng tốt nhất. Giấy dó tốt sẽ có thể bóc đôi bóc ba mà mặt giấy vẫn mỏng, đều nhau mà không hề bị rách.
Giấy dó thông thường có tỉ lệ sợi dó thấp trộn cùng bột giấy bao bì hoặc giấy bãi bằng. Hai loại giấy này thường chịu lực kém nhưng khi liên kết với sợi dó thì cũng cho ra độ bền nhất định.
Giấy dó hiện nay thông thường có dó đơn (1lần), kép đôi (hai lần) kép ba (3 lần).
Khi vẽ tranh giấy dó, cần nắm được đặc trưng của giấy dó mới có thể vẽ lên dó đơn. Trong quá trình vẽ nếu để nước đầu bút quá nhiều sẽ khiến mặt giấy dó dễ bị hư hại.
Giấy dó để lâu năm thì độ loang vô cùng mềm mại và loang đều nhau.
Vẽ tranh giấy dó cần một tư thái nhẹ nhàng. Tranh giấy dó thật như cô thiếu nữ khó tính, không dễ gần chút nào, nhưng khi biết cách vẽ thì tranh giấy dó cho ta cảm giác ngọt dịu và dễ chịu ẩn sau sự tỉ mẩn trong tính nết.

Tranh Giấy Dó (5)
Tương tự như với các chất liệu khác, vẽ tranh giấy dó cũng cần có những kĩ năng thành thạo từ cách lấy mực, đi bút, hướng cây bút như thế nào để tạo ra một tác phẩm đúng ý của người vẽ. Vẽ giấy dó càng cần những kĩ xảo hoạt bút và dứt khoát. Có thể ví việc xử dụng cây bút phải thuần thục như kiếm pháp. Hoặc một hình dung khác, giống như vũ nữ ballet tập gióng cả ngày để khi lên sàn diễn chỉ vài chục giây hoặc một hai phút sẽ tạo nên một cú xoay hay điệu khiêu vũ để đời; vậy thì vẽ tranh giấy dó cũng như vậy. Cho nên người vẽ dó, hàng ngày đều nên dành một số thời gian luyện bút để quen dần từ cách lấy mực đủ độ đến đi bút sao cho thuận với ý muốn của mình.
Vẽ tranh dó càng ít màu càng tốt, càng ít sặc sỡ càng hay. Tranh Dó không ưa sự lòe loẹt, càng không ưa sự cẩu thả. Tuy là chất liệu thủ công đồng quê, nhưng lại tinh tế cổ xưa như chốn cung đình quyền quý, vô cùng khó tính, không dễ chiều chuộng chút nào.
Vẽ giấy dó đơn, không nên bồi biểu. Hãy đặt tờ dó lên nền giấy trắng, đính hai góc trên thì mặt tranh sẽ trở nên trong vắt, tranh không bị bì mặt như bồi. Lại tránh bị mốc do hồ khi tranh bị ẩm, giữ tranh được lâu bền trong khung kính.
Tranh dó nếu vô tình bị gập nhàu thì đem vuốt phẳng, rồi đặt tờ giấy báo lên trên, dùng bàn là để độ nóng trung bình, là nhẹ vài lần là tờ dó trở lại phẳng phiu.
Tranh dó xếp phẳng, kẹp giữ hai tấm bảng gỗ dán rồi để vật nặng nén lên trên thì dó đều trở về phẳng phiu như chưa hề bao giờ nhàu nát.